Chọn nhiệt độ lý tưởng để pha sữa cho con, chuyện tưởng đơn giản nhưng chẳng… giản đơn chút nào.
Việc quy định nhiệt độ pha sữa tùy từng quốc gia nhưng nhiệt độ lý tưởng và đảm bảo an toàn cho bình sữa thành phẩm để bé sử dụng ngay thông thường được khuyên ở mức 37 – 42 độ C – tương đương với sữa mẹ, không quá nóng, ấm vừa phải.
Với các sữa của các nước như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc hay Việt Nam… việc pha sữa khá đơn giản, chỉ cần cho nước ấm vào bình, sau đó cho một lượng sữa bột tương ứng như trên bảng hướng dẫn vào, xoay bình sau đó cho bé sử dụng. Nhưng pha sữa Nhật, và đặc biệt là sữa cho giai đoạn sơ sinh thì phức tạp và rắc rối hơn nhiều.
Ảnh minh họa
Tại sao sữa Nhật yêu cầu phải sử dụng nước pha sữa ở nhiệt độ 70 độ C?
Sự khó khăn nhất trong pha sữa Nhật (cho trẻ dưới 1 tuổi) có lẽ nằm ở việc phải sử dụng nước pha sữa ở nhiệt độ 70 độ C. Nhiều mẹ cho rằng, đây là nhiệt độ giúp các vitamin không bị thay đổi hoặc để kích hoạt các hoạt chất có ích trong sữa.
Thật ra, nguyên nhân đơn giản chỉ xuất phát từ sự lo lắng của người Nhật về hệ miễn dịch của bé.
Tuy nhiên quy tắc pha sữa này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên thế giới, bằng chứng là hiện nay, đa phần các loại sữa công thức tại các nước tiên tiến trên thế giới đều yêu cầu nước pha sữa ở nhiệt độ phòng. Đây được xem là nhiệt độ an toàn cho trẻ nhỏ uống sữa.
Trong sữa bột trẻ nhỏ có một số chất dinh dưỡng rất dễ phản ứng với nhiệt độ cao như vitamin A, vitamin C, DHA. Nếu dùng nước ở mức nhiệt từ 70 độ C trở lên sẽ xuất hiện các hạt vón cục màu trắng và gây biến đổi các chất dinh dưỡng. Vì vậy, chỉ nên pha sữa với nước ấm, sữa bột sau khi pha xong đạt nhiệt độ trong khoảng 37 – 42 độ C – tương đương với sữa mẹ, không quá nóng, ấm vừa phải. Ở nhiệt độ này sẽ bảo tồn thành phần dinh dưỡng có trong sữa hiệu quả nhất.
Các loại sữa công thức có bổ sung lợi khuẩn probiotic nếu pha nước nhiệt độ quá nóng sẽ giết chết các lợi khuẩn này.
Vậy có nên phải dùng nước nóng 70 độ C để pha sữa cho bé hay không?
Không phải lúc nào mẹ cũng có thể đảm bảo đủ nước nóng ở nhiệt độ chuẩn 70 độ C để pha sữa cho con. Theo hướng dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bố mẹ hoàn toàn có thể pha sữa cho con bằng cách dùng nước sạch (nước uống được) ở nhiệt độ phòng. Sữa pha với nước có nhiệt độ dưới 70 độ C thì nên dùng liền và có thể bảo quản để cho bé dùng trong vòng 2 giờ sau khi pha.
Trên thực tế, tất cả các loại sữa công thức dù pha với nhiệt độ nào cũng được khuyến cáo chỉ nên để được tối đa 2 giờ. Không để trẻ dùng lại sữa để thừa sau 2 giờ nhằm tránh cho trẻ nhiễm khuẩn, nhất là vi khuẩn Crono. Lượng sữa còn dư thừa thì nên đổ bỏ hoặc mẹ uống hết, không nên để trẻ tiếp tục uống cữ sau vì trong sữa đã có nước bọt của trẻ, sữa không còn sạch nữa.
Ảnh minh họa
Như vậy, đối với nhiều loại sữa yêu cầu nhiệt độ pha cao hơn nhiệt độ phòng (trên 45 độ C) mẹ vẫn có thể pha với nước ấm mà không nhất thiết phải đảm bảo đủ 70 độ C, miễn làm đúng theo những khuyến cáo đi kèm từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Đặc biệt lưu ý nguồn nước dùng để pha sữa cho trẻ cần được lọc sạch và loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn, một số chất hữu cơ, kim loại và đã qua khử clo, … Nếu gia đình bạn sử dụng nước giếng, nên kiểm tra thử mẫu nước để chắc chắn rằng nó an toàn trước khi sử dụng. Không dùng nước thấp hơn nhiệt độ phòng để pha vì sữa không tan hết, trẻ khó có thể hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng từ sữa.
Đồng thời, bố mẹ phải luôn luôn lưu ý nguyên tắc vệ sinh khi pha sữa. Trước hết, mẹ hãy rửa tay thật kỹ và đảm bảo khu vực chuẩn bị pha sữa phải được sạch sẽ. Tiếp đến, mẹ cần kiểm tra chắc chắn hạn sử dụng của sữa công thức. Chỉ nên sử dụng sữa trong vòng một tháng sau khi mở nắp hộp. Phải tiệt trùng bình sữa và các dụng cụ đi kèm thật kỹ.
Không bao giờ làm ấm bình sữa trong lò vi sóng để tránh làm sữa nóng lên không đều, có thể tạo nên những phần quá nóng gây phỏng miệng bé, đồng thời làm sữa biến chất – không còn đủ dinh dưỡng. Khi rửa bình sữa, phụ huynh cần dùng bàn chải rửa bình dài rửa sâu trong bình sữa và rửa bằng xà phòng.
Nguồn: Eva